Một số phụ nữ cho rằng nếu ăn
nhiều đồ chua sẽ giúp giảm cân nhanh và hiệu quả, nhưng theo các
chuyên gia dinh dưỡng, ăn chua nhiều không giảm cân mà còn có hại
cho sức khỏe.

Trong các món ăn hằng ngày chúng ta thường sử dụng nhiều vị chua,
chẳng hạn như canh chua, nước rau muống vắt chanh, gỏi bóp chanh…
Nhưng nếu lạm dụng các thức ăn có vị chua như giấm, chanh, sấu, khế
chua... có thể gây bất lợi cho người ăn.
Bác sĩ Thái Huy Phong, phòng khám đa khoa Tân Định cho biết: Trong
các quả chua, thì quả chanh có chất citrat với đặc tính dễ kết hợp
với canxi trong máu, khiến cho máu không đông trong ống nghiệm. Nếu
ăn nhiều chanh trong khi khẩu phần thức ăn lại thiếu cân đối, không
đủ những nguyên liệu cấu tạo nên huyết tương và các huyết cầu thì
có thể bị thiếu máu.
Chị Mai Trang, nhân viên văn phòng luôn tự ti vì mình mập nên chị
đã chọn cách ăn chua thật nhiều với hy vọng giảm béo. Sau thời gian
ăn chua quá nhiều, chị thấy liên tục bị đầy hơi, ợ chua, ăn khó
tiêu. Lúc chị bị đau bụng dữ dội và được gia đình đưa đến bệnh
viện, bác sĩ chẩn đoán là chị bị tắc ruột phải phẫu thuật gấp nếu
không sẽ ảnh hưởng tính mạng.
Bảo Thủy, sinh viên năm hai trường Khoa học xã hội và nhân văn
TP.HCM từng đi cấp cứu vì ăn đồ chua thay cơm. Hằng ngày, Trang đến
trường với bữa ăn là một quả xoài, liên tục thay đổi theo ngày là
khế, chanh và me. Đến lúc đi cấp cứu mới biết mình bị bào mòn dạ
dày.
Bên cạnh đó, bác sĩ Đào Thị Yến Thuỷ cho rằng: Ăn chua quá có thể
hại răng vì độ pH hạ xuống trong nước bọt, tiếp xúc với men răng,
dễ đưa tới sâu răng. Ngoài ra, ăn chua có nguy cơ kích thích dạ dày
tiết ra nhiều dịch vị, nhất là lúc bụng đang đói, không tốt cho
những người đã có bệnh viêm loét dạ dày.
Theo bác sĩ Thuỷ, ăn chua hợp lý sẽ kích thích tiêu hoá và ăn ngon
miệng hơn. Để có đủ chất chua, một ngày nên dùng một hộp sữa chua
không đường. Đối với trái cây có độ chua cao như xoài, khế, me dùng
từ 1 - 2 lần/tuần.