Tôi đã vài lần đề cập chuyện đi làm thụ tinh
trong ống nghiệm với anh, nhưng anh ậm ừ nên tôi cũng bỏ lửng, rồi
bị công việc lôi đi. Cho tới sau một đợt stress nặng, tôi khóc như
mưa, quyết liệt đòi làm mới vỡ lẽ anh bị một “nỗi sợ rất đàn ông”:
Sợ không có tinh trùng.
Tôi đã bước sang tuổi 40. Tôi thường trốn tránh những ngày lễ thiếu
nhi, tết trung thu, những cuộc họp mặt gia đình, ở cơ quan có dắt
theo trẻ con. Ngay cả xem tivi cũng không dám mở chương trình thiếu
nhi.
Chồng tôi đã bước sang tuổi 50, ngày hai buổi thầm lặng đi về, xem
chừng mỏi mệt. Căn nhà hầu như không có tiếng người.
Thỉnh thoảng em của chồng có đưa vợ con sang chơi. Thằng bé 5 tuổi
chạy loanh quanh khắp nơi. Khi họ về rồi, sự im lặng như được nhân
lên, bầu không khí gần như đặc quánh.
Vượt qua nỗi sợ
Tôi đã vài lần đề cập chuyện đi làm thụ tinh trong ống nghiệm với
anh, nhưng anh ậm ừ nên tôi cũng bỏ lửng, rồi bị công việc lôi đi.
Cho tới sau một đợt stress nặng, tôi khóc như mưa, quyết liệt đòi
làm mới vỡ lẽ anh bị một “nỗi sợ rất đàn ông”: Sợ không có tinh
trùng.
Tôi bảo cứ đi xét nghiệm mới biết, đâu thể căn cứ vào mắt thường
nhưng anh cứ chần chừ. Tôi đã một mình đến Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM)
làm hồ sơ.
Cầm cái lọ và tờ giấy xét nghiệm về, tôi đặt lên bàn làm việc của
anh, nói giọng chắc nịch: “Em đã đăng ký rồi, người ta phải đợi cả
năm trời mới được làm, còn em nhờ quen biết mà được cho làm ngay.
Nếu mình không làm lúc này, tuổi càng lớn càng khó”.
Đó là tôi nói xạo với anh, chứ bác sĩ nói phải sắp hàng chờ, còn
nếu muốn thu ngắn thời gian chờ đợi thì chọn loại dịch vụ, đóng
thêm 3 triệu đồng và làm đơn gửi ban giám đốc bệnh viện, trình bày
lý do xin được làm sớm.
Thấy anh có vẻ xuôi xuôi, để tăng thêm hiệu quả, tôi nói: “Anh thử
giùm em đi, nếu không được cũng đâu có sao”. Thời điểm nộp mẫu tinh
trùng cũng nghiệt, được cố định chỉ có hai lần trong ngày và đều
trong giờ hành chính.
Có thể chọn một trong hai cách: Đến bệnh viện để lấy hoặc lấy ở
nhà. Cách nào cũng có cái hay, cái dở. Lấy ở bệnh viện không sợ
khâu bảo quản, nhưng mấy cái phòng để dành cho chuyện tế nhị này
nhỏ xíu, nằm ngay trong khu vực ồn ào, bên ngoài luôn có người sắp
hàng chờ đến lượt.
Ông xã tôi chọn ngay cách thứ hai. Tôi dặn anh tỉ mỉ cách lấy để
không làm ảnh hưởng tới kết quả như phải rửa tay sạch, không sát
trùng lọ đựng và để lại cho anh tờ giấy hướng dẫn một số động tác
kỹ thuật bệnh viện phát cho.
Quan trọng nhất là khi lấy mẫu xong phải mang ngay tới nộp cho xét
nghiệm trong vòng nửa giờ, nếu trễ hơn là hỏng. Mãi mấy ngày sau,
tôi hỏi, câu đầu tiên anh nói là “luýnh quýnh quá, anh làm đổ mất
cái lọ rồi”. Suýt nữa tôi cáu lên, sau đó anh nói đã trở lại Từ Dũ
xin cái lọ khác, lấy mẫu đem nộp lại rồi.
Tôi nôn nóng hỏi: “Kết quả đâu?”, anh rụt rè đưa ra một tờ giấy.
Nghĩ cũng buồn cười cho cái gọi là tự ái đàn ông, chuyện lớn lao
như đầu tư kinh doanh có thể quyết định dễ dàng, nhưng lại không
dám đối mặt với một kết quả xét nghiệm.
“Anh bị thiếu số lượng tinh trùng và cả chất lượng. Chắc không làm
được rồi” - giọng anh nhuốm vẻ thiểu não.
Tôi nói chắc như đinh đóng cột là được, vì tôi đã được bác sĩ tư
vấn rồi. Vậy là coi như xong bước đầu tiên. Phần anh vậy là tạm
xong. Trong khi tôi còn phải đối mặt với một quá trình rất dài và
gian nan sắp tới.
Canh bạc 20 triệu đồng
Những ngày sau đó, hầu như mỗi ngày tôi đều phải đến bệnh viện, có
ngày phải đến hai lần để làm các xét nghiệm, lấy kết quả, nghe bác
sĩ tư vấn, chích thuốc…
Chuyện chờ đợi là thường xuyên, vì vậy những người đồng cảnh chúng
tôi có rất nhiều dịp để hỏi han chuyện của nhau.
Tôi làm quen và nói chuyện với chị Nghĩa (tên nhân vật trong bài đã
được thay đổi), một chủ vựa trái cây ở An Giang. Chị 39 tuổi, gương
mặt khá ưa nhìn.
Tôi há hốc miệng khi nghe nói chị đã làm tới lần thứ năm. Hai lần
đầu không thành công, lần thứ ba bác sĩ tư vấn chị nên xin trứng.
Tìm mãi mới được một đứa cháu họ đáp ứng đủ điều kiện, đã có chồng
và con, tuổi 20-30.
Chị nói: “Mình đã giải thích với đứa cháu hết rồi, bác sĩ đã dặn
không được gần chồng trong suốt thời gian chích thuốc kích thích
buồng trứng, vậy mà tới khi siêu âm phát hiện nó có thai, coi như
tiêu mười mấy triệu đồng của mình”.
Lần thứ tư, chị chuyển sang Bệnh viện Phụ sản quốc tế để coi có hên
hơn không. Vẫn thất bại. Chị quay lại Bệnh viện Từ Dũ. Chị nhắc đi
nhắc lại: “Lần này là lần cuối cùng, được hay không được gì cũng
ngưng”. Nhưng rồi chính chị rốt cuộc cũng vẫn làm tiếp tục .
Nghe chuyện chị Nghĩa tôi lại thêm sợ. Nhất là khi chị cho biết
ngay chính bác sĩ cũng không thể giải thích được tại sao chị không
thể đậu thai. Trong số khoảng 15 người cùng làm thụ tinh trong ống
nghiệm đợt này với tôi, có khá nhiều người đã làm lần thứ
hai.
“Tiền công” cho bác sĩ chỉ 7-10 triệu đồng, nặng nhất là tiền
thuốc. Cứ 3-4 ngày mua một đợt thuốc, mỗi lần mua 5-6 triệu đồng.
Cầm trên tay một cọc tiền có thể xài trong cả năm chỉ đổi lấy mấy
ống thuốc nhỏ xíu. Tùy theo đáp ứng thuốc hay không, chi phí 10-40
triệu đồng.
Lúc ngồi chờ khám trong phòng bác sĩ Lan, chị Hòa - một người đã
làm lần thứ hai - nói: “Thiệt tình cái này giống như đánh bài, mà
đặt một lần tới 15-20 triệu”. Một câu ví von hết sức hình tượng và
chính xác.
Đã tìm hiểu nhiều về qui trình làm thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng
tôi chưa bao giờ hình dung mình sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ
như vậy. Cho nên sau khi nghe bác sĩ tư vấn, tôi xin về nhà để suy
nghĩ thêm.
Có tới trên 60% trường hợp làm thụ tinh trong ống nghiệm không
thành công mà không hiểu tại sao. Đó là thử thách thứ nhất.
Chích thuốc kích thích buồng trứng sẽ có nguy cơ quá kích buồng
trứng, có thể dẫn tới chết người. Cứ 100 người có hai người bị
nặng. Tỉ lệ không phải nhỏ. Đó là thử thách thứ hai.
Nếu đậu thai thì có nguy cơ thai ngoài tử cung phải mổ cấp cứu. Nếu
đậu nhiều thai lại phải áp dụng kỹ thuật giảm thai, nghe kể là đau
đớn lắm.
Đối với người lớn tuổi như tôi, nếu có thai rồi phải nằm dưỡng suốt
mấy tháng trời trên giường. Đó là tôi chưa lường trước được một
tình huống cực kỳ xấu khác mà sau này đã xảy ra với tôi.
Nhưng rồi cũng phải đánh liều. Bắt đầu quá trình chích thuốc để
kích thích rụng trứng. Các cô y tá dặn mỗi ngày phải đến bệnh viện
từ 7g- 7g30 để chích, phải đúng giờ, nếu trễ coi như phải chích lại
từ đầu. Mỗi cô cầm sẵn một ống thuốc, một ống chích.
Phòng chích khá nhỏ, người chen chúc, người trước vừa xuống khỏi
giường là người sau lập tức leo lên, cô y tá chích liền tay mà vẫn
không giải tỏa nhanh được số người chờ đợi.
Tôi vốn sợ chích, nhất là chích vào vùng bụng, xung quanh rốn, cho
nên phải cắn răng, nhắm chặt mắt. Phải chích hàng chục mũi. Tới mũi
thứ ba, thứ tư, vùng chích bắt đầu thâm tím do thuốc tan không kịp,
nhìn rất ghê. Sau mỗi đợt chích, chúng tôi còn phải đi thử máu đo
lượng hoócmôn để bác sĩ điều chỉnh thuốc.
Theo Thanh Nhẫn
Tuổi trẻ

