Từ khi sinh ra em tôi hoàn toàn không có tinh
hoàn nào cả, đồng thời bìu dái cũng không phát triển. Gia đình tôi
đã cho em đi mổ lúc 4 tuổi, nhưng từ đó tới nay (em đã 9 tuổi) vẫn
không thấy tinh hoàn xuất hiện, dù từ trước và sau khi mổ tình hình
sức khỏe của em hoàn toàn tốt (mập mạp và ăn rất nhiều, cao hơn
những trẻ cùng trang lứa).
Tình trạng cương cứng của em cũng khá bình thường, nhưng không hiểu
sao không bao giờ thấy có "hạt". Xin bác sĩ có thể cho tôi biết về
trường hợp của em tôi. Giả sử tới khi trưởng thành mà vẫn không
thấy gì, thì em tôi có khả năng sinh con không? Cảm ơn bác sĩ rất
nhiều.
Lê Hải Đăng (Đăk Nông)
- Trả lời của Phòng mạch Online:
Chào anh,
Tinh hoàn ẩn hai bên gặp trong khoảng một phần mười (10%) các
trường hợp tinh hoàn ẩn.
Mổ điều trị tinh hoàn ẩn có nhiều phương pháp khác nhau như mổ nội
soi, mổ hở, mổ vi phẫu…Nhưng với phương pháp nào đi nữa thì mục
đích của cuộc mổ là tìm ra tinh hoàn ẩn và đưa xuống cố định ở dưới
bìu. Vì vậy ngay sau mổ sẽ sờ thấy tinh hoàn ở bìu chứ không phải
chờ đợi tinh hoàn xuất hiện từ từ.
Trường hợp em trai của anh đã mổ rồi thì đúng ra phải sờ thấy hai
tinh hoàn ở bìu. Nếu không sờ thấy tinh hoàn thì có những khả năng
sau:
Khi mổ không đưa được tinh hoàn xuống bìu, mà chỉ đưa được
qua lỗ bẹn nông đến sát gốc dương vật - bìu, thường gặp ở những
trường hợp cuống tinh hoàn ngắn.
Do bé mập, lớp mỡ vùng bẹn nhiều và bìu nhỏ nên khó sờ được
tinh hoàn.
Hai tinh hoàn quá nhỏ hoặc bị teo nên không sờ thấy.
Lúc mổ không tìm thấy tinh hoàn hoặc do không có tinh hoàn.
Trong những trường hợp không có tinh hoàn ở bìu sau sinh, không có
tinh hoàn một bên chiếm tỉ lệ 4%, không có tinh hoàn hai bên là 1%.
Không có tinh hoàn do bất sản hoặc tinh hoàn biến mất trong thời kỳ
bào thai.
Ngoài ra, những trường hợp tinh hoàn ẩn hai bên nếu kèm dị tật lỗ
tiểu đóng thấp thì cần nghĩ tới có khả năng bị lưỡng giới.
Về khả năng có con, chỉ một phần ba các trường hợp tinh hoàn ẩn hai
bên đã điều trị phẫu thuật có số lượng tinh trùng bình thường, vì
thế vô sinh là không tránh được trong những trường hợp tinh hoàn ẩn
hai bên không điều trị.
Hiện nay em trai anh đã 9 tuổi, anh nên đưa bé đi tái khám ngay để
đánh giá chính xác tình trạng hiện tại của tinh hoàn, từ đó có
hướng theo dõi điều trị tiếp theo trước khi bé bước vào tuổi dậy
thì.

